ẤN PHẨM PHỤ NỮ TOÀN CẦU

KHÁCH MỜI

Trái tim luôn ấm nghĩa tình đồng đội

Một chiều cuối năm, trong cuộc họp chuẩn bị cho chương trình ca nhạc gây quỹ ủng hộ Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị thành phố Hà Nội. Chúng tôi đã có dịp gặp Đại tá Nguyễn Song Phi – Chánh Văn phòng Hội. Đó là một người đàn ông hiểu biết và lịch thiệp, được biết ông đã là một người lính trải nghiệm nhiều năm tháng trong quân ngũ và dành nhiều thời gian cho công tác giảng dạy trong quân đội trước khi về công tác tại Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị thành phố Hà Nội. Chuyên mục Khách Mời của tạp chí Phụ Nữ Toàn Cầu đã có buổi trò chuyện cùng ông.

Rất vui được gặp ông? Ông có thể chia sẻ cơ duyên nào mà ông về công tác tại Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị thành phố Hà Nội?

Được phép của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Hội Truyền thống chiến sỹ Thành cổ Quảng Trị thành phố Hà Nội đã được thành lập vào ngày 26 tháng 9 năm 2015, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của của những cán bộ, chiến sĩ các sư đoàn chủ lực và các đơn vị quân, binh chủng, các lực lượng làm công tác bảo đảm chiến đấu đã tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thị xã – Thành cổ Quảng Trị năm 1972, hiện đang cư trú tại địa bàn thành phố Hà Nội. Là một người lính trực tiếp chiến đấu trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị với tâm huyết hướng về đồng đội và kinh nghiệm của những năm công tác, tôi là một trong những người được tham gia vào công việc thành lập Hội, vinh dự được bầu vào Ban Chấp hành Hội và được phân công làm Chánh Văn phòng Hội.

Cuộc đời binh nghiệp của ông bắt đầu từ năm bao nhiêu tuổi? Trải qua bằng đó năm trong quân ngũ, điều ông đạt được nhiều nhất là gì? Tự hào nhất là gì?

Tôi nhập ngũ năm 1970, khi đang học tập tại trường Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội) và gắn trọn sự nghiệp của mình với Quân đội cho đến khi nghỉ hưu sau 41 năm công tác. Những trải nghiệm qua chiến tranh khốc liệt, những năm tháng công tác tại Bộ Tổng Tham mưu và làm cán bộ giảng dạy, cán bộ quản lý tại một Học viện lớn của Quân đội đã cho tôi rất nhiều kiến thức, trí tuệ, bản lĩnh và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ”, nhưng điều tôi luôn tâm niệm là mình thật may mắn; may mắn được trở về từ chiến tranh khốc liệt trong khi rất nhiều đồng đội và bạn cùng nhập ngũ đã anh dũng hy sinh, may mắn hơn rất nhiều đồng đội cùng được trở về từ chiến tranh.

Điều tôi luôn tự hào là đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao trong chiến tranh cũng như trong thời bình, trở thành cán bộ cao cấp trong Quân đội, ở đâu tôi cũng được đồng đội và bạn bè yêu quý.

Người viết bài này là người lớn lên khi đất nước đã yên bình nên có nhiều điều không thể cảm hết những khắc nghiệt của chiến tranh và cuộc chiến bảo vệ thành cổ của các chiến sĩ anh hùng năm xưa nhưng khi đọc một bài thơ mà tác giả bài thơ là một cựu chiến binh để tưởng niệm người bạn hy sinh hiện vẫn còn nằm ở đáy sông Thạch Hãn thì chỉ cảm thấy đây là sự hy sinh, mất mát  lớn lao không gì so sánh được

" Đò lên Thạch Hãn xin chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm"

Là một người lính, xin ông chia sẻ cảm xúc của mình về những điều dũng cảm thiêng liêng của những người lính thành cổ Quảng Trị?

Trong 81 ngày đêm năm 1972, quân đội Mỹ đã ném xuống chiến trường  Quảng Trị 328.000 tấn bom đạn các loại, có sức công phá tương đương với 07 quả bom nguyên tử Mỹ ném xuống Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ 2, chi viện cho các đơn vị thiện chiến nhất của quân đội Việt Nam cộng hòa hòng chiếm Thị xã và Thành cổ Quảng Trị :

 “Tám mươi mốt ngày đêm đất trời ken dày bom đạn;

Cát trắng rang vàng nghiêng lệch cả dòng sông”.

Các đơn vị Quân đội ta đã cùng với quân và dân Quảng Trị kiên cường chiến đấu, giữ vững Thành cổ Quảng Trị trong 81 ngày đêm, làm nên Khúc tráng ca Thành cổ, biểu tượng sáng ngời của Chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam; nhưng để làm nên kỳ tích ấy nhiều nghìn cán bộ, chiến sĩ đã anh dũng hy sinh và cả vạn người đã để lại một phần xương máu của mình trên mảnh đất lịch sử này.

Cũng như những người đã trực tiếp chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong 81 ngày đêm lịch sử ấy, cảm xúc của tôi về Quảng Trị lúc nào cũng thật sâu lắng, cảm phục, tự hào và nghẹn ngào như những câu thơ của một Cựu chiến binh Thành cố khi trở lại mảnh đất lịch sử này:

Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi

Thành cổ rộng sao đồng đội tôi nằm chật

Mỗi tấc đất là một cuộc đời có thật

Cho hôm nay tôi đến nghẹn ngào.

Là người làm công tác giảng dạy, hẳn là ông có nhiều thời gian nói với lớp trẻ về những hy sinh anh hùng của những người lính thế hệ trước, đặc biệt là những người chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị. Ông thường gặp những câu hỏi gì của thế hệ sau này khi họ quan tâm đến những hy sinh mất mát của những người lính thế hệ trước. Và ông thường nói gì với họ?

Khi được gặp thế hệ trẻ, tôi không nói nhiều về mình và những đồng đội của mình trong những ngày tháng lịch sử ấy mà chỉ nói với họ rằng để đất nước có được sự thanh bình ngày nay các thế hệ cha anh đã tốn biết bao máu xương, đã có những lớp người cả đời cống hiến cho độc lập tự do của Tổ quốc, hãy tìm hiểu về lịch sử , về những vùng đất lịch sử như Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngài, Củ Chi, Sài Gòn Gia Định để thấu hiểu chân giá trị của sự hy sinh của các thế hệ cha anh. Từ đó mà nghĩ đến việc mình cần làm gì, nên làm gì để giữ gìn, phát huy những giá trị truyền thống đó và làm gì để góp phần vào sự nghiệp xây dựng đất nước giàu đẹp, vững mạnh về quốc phòng an ninh đủ sức đẩy lùi mọi nguy cơ làm mất ổn định chính trị, xã hội đến từ bên trong và bên ngoài, thực hiện phương châm “giữ nước từ lúc nước chưa nguy”

Ông là người một đời binh nghiệp nhưng vẫn giữ cho mình một phong cách sống chuẩn mực, yêu ca nhạc, dành thời gian cho gia đình và bạn bè? Bí quyết nào vậy, thưa ông?

Bản thân sự gắn bó trọn đời với binh nghiệp đã là chìa khóa để hướng tới sự chuẩn mực trong phong cách sống và để có thể hoàn thành trọng trách công tác thì rất cần có đời sống tinh thần phong phú và không kém phần lãng mạn. Còn gia đình và bạn bè thì đây chính là điểm tựa cho những người gắn trọn cuộc đời cho binh nghiệp. Nếu nói là bí quyết thì có lẽ đó là sự hài hòa trong cuộc đời của người lính Cụ Hồ.

Triết lý sống của ông là gì? Với ông điều gì quan trọng nhất ở cuộc đời?

Triết lý đơn giản của tôi là luôn sống hết mình, với công việc, với gia đình, với đồng đội và với bạn bè.

Điều quan trọng nhất của cuộc đời đối với tôi là hãy luôn giữ cho tâm mình thật sáng và không ngừng học hỏi để nâng tầm hiểu biết về mọi lĩnh vực.

Ông đã ở tuổi nghỉ hưu để vui thú điền viên bên gia đình, điều gì khiến ông vẫn dành thời gian cho Hội Truyền thống chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị thành phố Hà Nội và vẫn đau đáu nỗi niềm góp một phần công sức cho Hội?

41 năm sống trong quân ngũ là một khoảng thời gian thật dài, được trở về vui thú  điền viên là mơ ước của nhiều người nhưng tôi hạnh phúc mà may mắn hơn nhiều người là vẫn còn mẹ để phụng dưỡng, báo đáp. Những người như tôi luôn cảm thấy như còn nợ những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường, còn nợ những đồng đội đã may mắn được trở về từ chiến tranh nhưng không có được may mắn trong cuộc sống. Vì vậy với tôi, chỉ khi nào sức khỏe không cho phép tôi mới ngừng việc dành thời gian, tâm trí, sức lực và cả chút tiền bạc ít ỏi cho hoạt động Hội, hoạt động của Ban Liên lạc Truyền thống đơn vị, vào việc tri ân liệt sĩ và nghĩa tình đồng đội. 

Xin cảm ơn ông đã dành thời gian.