ẤN PHẨM PHỤ NỮ TOÀN CẦU

Uncategorized

Tác giả Thu Tuyết – Một chút tản mạn quá khứ & thơ

Hơn 30 năm hoạt động trong nghề giáo, biết bao điều đáng nhớ về, những gương mặt ngây thơ, ngỗ ngịch của đám học trò đã được góp nhặt vào thơ Thu Tuyết như một nỗi niềm lưu giữ về một khoảng đời đẹp từng gắn bó với chị nơi giảng đường.

Không còn hằng ngày đến lớp, chị dành thời gian nhiều hơn cho sáng tác. Đọc qua những tác phẩm chị viết, sinh viên và những câu chuyện hàng ngày của quãng thời gian đứng lớp vẫn là những điểm nhấn tạo nên cảm xúc cho nữ tác giả của nhiều tập thơ Thu Trắng…
Chào chị, là cựu giảng viên ĐH Tài Chính – Marketing, chị giảng dạy môn học khoa học tự nhiên, giờ lại chuyển sang lĩnh vực văn hóa nghệ thuật với những tác phẩm Thu Trắng ra đời trong thời gian gần đây, dường như có điều gì đó mâu thuẫn trong cuộc đời và sự nghiệp của chị ?

 

Sau năm 1975, trong tình trạng chung của đất nước, tôi không được thuận lợi như những bạn bè cùng lứa để vào một trường Đại học và học đúng ngành nghề mình yêu thích. 

Lúc ấy tôi thích ngành Y, tôi đã khăn gói đi thi nhiều trường, nhiều nơi (từ Sài Gòn cho đến vùng cao); nhưng chẳng nơi nào thông báo điểm thi của tôi như những thí sinh khác! Chỉ thông báo kết quả: Tôi thi rớt! (Tôi chẳng hiểu vì sao!). Mặc dầu vậy, tôi vẫn ngơ ngác đợi chờ…

Buồn, khóc và chờ đợi… Bao nhiêu chướng ngại đã ngăn cản con đường học hành nhưng không ngăn nổi tinh thần mê học của tôi! Rồi cũng đến một ngày, tôi phải vào một trường Sư phạm. Không phải tôi muốn mà không còn sự chọn lựa khác! Lúc ấy, tôi chỉ mong sao thoát được hoàn cảnh hiện tại và được đi học (Phải chăng đây là một sai lầm!).

“Trong cái rủi, có cái may”. May là tôi đã học được một ngành, không ngờ lại phù hợp với con người và tính cách của mình! Tôi yêu nó như yêu chính thân phận đầy gian truân trên con đường học vấn của tôi. Mặc dầu không gì to lớn, nhưng với ý chí và lòng đam mê, tôi đã vượt qua số phận để sau cùng tôi cũng đạt được một chút nhỏ nhoi mơ ước của một cuộc đời đầy trắc trở trong học hành.

Yếu tố nào khiến chị có thể bước tiếp trên con đường sư phạm “bất đắc dĩ” này?

Tôi nhớ ngày đầu tiên đứng lớp, lũ học trò to xác nhốn nháo vì cô giáo trẻ và hiền như nai. Không biết vì đâu mà chúng quí tôi đến lạ. Chúng cho tôi nhiều niềm vui, đặc biệt, dạy tôi hát vọng cổ! Võ Đông Sơ – Bạch Thu Hà là bài hát đầu tiên và duy nhất tôi học được từ đám học trò ngỗ ghịch, đáng yêu (Thú thật tôi không hiểu lúc ấy bằng cách nào mà tôi hát được vọng cổ). Cũng từ đây, tôi bắt đầu cảm được sự ấm áp của cái tình, tình thầy trò, sự thú vị của công việc tôi đang làm.

Rồi như một định mệnh, tôi bị “mất dạy” vì không chuyển được “công tác và hộ khẩu” về Sài Gòn. Trong thời gian bị từ chối việc làm, tôi lại tiếp tục đeo đuổi đam mê học hỏi. Tôi học và học cả những gì tôi có thể, chẳng liên quan gì đến ngành Giáo dục. 

Cho tới một ngày nọ, tôi được mời về dạy tại một Trung Tâm Ngoại Ngữ, rồi một Trường Cao Đẳng, Đại học Sư Phạm và sau cùng là Đại học Tài Chính – Marketing.

Nguyên nhân nào chị bước vào con đường thi ca này ?

Từ lúc về Đại học Tài chính – Marketing, tôi bắt đầu viết lách, chủ yếu là những bài viết cho Tạp chí Khoa học của Trường về những đề tài có liên quan đến môn học tôi đang dạy.

Vào một chiều tan lớp, chị Hiệu Trưởng – TS Phạm Thị Ngọc Mỹ, đến gặp tôi và đề nghị tôi làm một bài thơ cho Tạp chí nhân dịp Xuân. Tôi thấy lạ, nhưng chị động viên và tôi đã thử. Thế là bài thơ thứ hai ra đời. {Bài thơ đầu tiên tôi viết dở dang từ năm lớp 7. Sau này đọc lại cho một nhà thơ khá nổi tiếng nghe, ông cười ngặt nghẽo và phán rằng: “Em ơi! Thơ em mà đọc cho các đám ma thì đắt hàng lắm”!!!}

Có phải những thăng trầm trong cuộc sống là động lực và cũng là chất liệu làm nên những tác phẩm của chị?

“Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả” thì tôi đã không tiếp tục làm thơ.  Đúng vậy! Nếu không có những tháng ngày chông chênh, thì tôi đã không dùng thơ như một phương tiện để chia sẻ nỗi niềm. Rồi dần dần trở thành thói quen, tôi lại tiếp tục viết: “Viết như một cơn mưa rào đầu hạ xoá đi những muộn phiền, ưu tư chồng chất. Viết như một làn gió mát tưới sâu vào tâm hồn đang chông chênh, hấp hối. Viết đã làm tôi tỉnh lại, và Thu Trắng ra đời từ đây…” (Trích Thu Trắng).

Đến với nghề giáo cũng không nằm trong dự tính mà đến với thi ca cũng thật tình cờ, chị có cho đó là nghiệp hay là duyên?

Có thể gọi đó là cái Duyên (không phải Nghiệp) để tôi đến với thi ca. Chưa và sẽ không bao giờ tôi tự cho mình là Thi sĩ. Bởi “Tôi chỉ là một Nhà giáo thích làm Thơ”. Tôi lang thang với Thơ vì tôi yêu cái đẹp của nó, nhưng tôi cũng “ham của lạ” vì đấy là nền tảng cho sự sáng tạo. Từ đó, Album Thu Trắng 1 và 2 ra đời.

Bài thơ nào chị viết khi còn đứng trên bục giảng trong tâm tình của một nhà giáo yêu thơ?

Hôm nay, nhân ngày 20/11, bao kỷ niệm ùa về đã làm tôi xúc động. Tôi nhớ, vào một ngày của tháng giêng, ngồi trong phòng thi, tôi nhìn các em đang cặm cụi viết. Bỗng có đôi mắt to lấm lét nhìn. Phải chăng, em muốn hỏi bạn mình điều gì đó. Thay vì nghiêm khắc, đôi mắt ấy đã làm tôi xúc động. Nó sáng trong như đôi mắt nai đang ngơ ngác vì Thu sắp tàn. Giờ thi sắp tan! Em đã viết được gì?

“Nắng vẫn trải dài trên sân cỏ
Lá rớt hồn nhiên trước chiều tàn
Giờ thi đã hết em có bỏ?
Nét bút vội vàng lúc nắng tan?
Cô giáo vẫn nhìn đôi mắt dại
Đã viết gì chưa ý tưởng dài?
Đường chiều phố lớn người chen chúc
Ngõ nhỏ em về trong mắt nai”
ĐH Tài Chính – Marketing, 08/01/2009
(Trích Mắt Thơ – Thu Trắng 2)

Tôi, bây giờ, không còn những tháng ngày đến lớp, nhưng tất cả là một quá khứ đẹp, Quá khứ và Thơ. Một quá khứ đã làm nên một quãng đời có ý nghĩa. Đó là những khuôn mặt hồn nhiên của các em, những tiết học oi nóng vào hè và những cơn mưa nước ngập cả lối đi, những giờ thi căng thẳng… và sau cùng là những bài luận văn tốt nghiệp quyết định cho một tương lai… “Giảng dạy là niềm đam mê. Làm thơ, viết văn như một cách để giải toả những áp lực của đời thường, dần dà trở thành lẽ sống. Hy vọng sẽ là những thông điệp từ trái tim gởi đến người thân, bạn bè như một lời chia sẻ” (Trích Thu Trắng).

Cảm ơn chị với những tâm tình đẹp trải bày cùng độc giả Phụ Nữ Toàn Cầu!