Không chỉ gần gũi với mọi người qua những giai điệu dân gian hết sức mộc mạc, Tina Thiên – Nga Nguyễn còn là một “cánh chim xanh” kết nối những tổ chức từ thiện, những bác sỹ nước ngoài đến với những người mắc bệnh hiểm nghèo tại Việt Nam.
Cô học trò “cưng” của cố giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê – cây cổ thụ của nền âm nhạc dân tộc Việt Nam, đang từng ngày lan truyền lời ca, tiếng đàn quen thuộc theo từng âm điệu ngân vang của những nhạc cụ dân tộc Việt Nam ra khắp năm châu. “Cách đây 25 năm về trước, cô bé 19 tuổi như tôi sẽ không thể nuôi dưỡng hoài bão lớn lao này nếu không có duyên được gặp thầy…” Thiên Nga nhớ lại quãng thời gian cả hai thầy trò “kỳ ngộ” tại thành phố Montreal, xứ Quebec, Canada…
BƯỚC KHỞI ĐẦU CỦA MỘT SỨ MỆNH
Và câu chuyện dài của Thiên Nga với âm nhạc dân tộc luôn được “đốt cháy” bởi những lời dạy hết sức quý báu của thầy về tình yêu quê hương, đất nước, về những giá trị văn hóa thiêng liêng chất chứa trong tiếng đàn tranh, đàn bầu… của dân tộc. Rồi như có một sức mạnh vô hình biến cô bé nhút nhát ngày nào trở nên bản lĩnh hơn trước sứ mệnh đã được định sẵn. Thiên Nga đã thành lập nhóm nhạc dân tộc Lạc Việt Association tại Canada vào năm 1991.
“Nhóm nhạc của chúng tôi với hơn 50 người chơi nhạc amateur nhưng cũng đã được trình diễn ở nhiều sự kiện quan trọng mang tầm quốc gia của Canada lúc đó và còn biểu diễn hợp xướng ba bài Hòn Vọng Phu của cố nhạc sĩ Lê Thương cùng với dàn nhạc lớn tại trường Đại Học McGill, do tôi chỉ huy tại Pollack Hall; và sau đó diễn cho hơn 3000 khán giả ở Place-des-Art – là nhà hát lớn nhất của thành phố Montreal…” Thiên Nga nhớ lại “Lúc đó mọi thứ khó khăn đủ đường. Cả gia đình tôi bao gồm ba mẹ, anh trai cùng tham gia các khâu hậu kỳ để chuẩn bị cho mỗi tiết mục biểu diễn âm nhạc dân tộc từ: trang phục, đạo cụ, nhạc cụ cho đến mọi chi tiết về tổ chức ăn uống, đi lại cho tất cả trên 50 thành viên. Sau mỗi lần trình diễn, tôi bị giảm vài kg…(cười)”.
Sứ mệnh của Thiên Nga giờ đây không chỉ dừng lại với âm nhạc dân tộc mà là sứ mệnh của con người và văn hóa
Có rất nhiều thành tựu mà Thiên Nga đã làm được trong sứ mệnh truyền bá âm nhạc dân tộc Việt Nam trên đất khách. Tuy khác biệt về ngôn ngữ và văn hóa nhưng có những người nước ngoài cũng trở nên thích thú khi được cô dạy đàn, dạy hát dân ca Việt Nam tại Canada, Mỹ. Đến nay, Thiên Nga vẫn còn muốn tiếp tục gầy dựng nhóm nhạc gần giống như vậy tại Việt Nam để làm một thí điểm, khích lệ các bạn trẻ quay về cội nguồn, để từng bước tiến gần đến với nhạc dân tộc. Nhưng điều cô ấp ủ vẫn là làm thế nào để tất cả người Việt Nam đều cảm thụ được tinh hoa trong tiếng đàn dân tộc và chung tay gìn giữ những nhạc cụ và âm điệu hết sức phong phú này.
Thiên Nga hiện đang cùng nhóm thân hữu vận động cho Quỹ học bổng Trần Văn Khê, nguồn quỹ sắp ra mắt nhằm giúp các tài năng trẻ trong lĩnh vực âm nhạc dân tộc, không bó hẹp vùng miền mà mở rộng xét tặng cho những cá nhân có công trình nghiên cứu, quảng bá, phát huy những vốn quý của âm nhạc dân tộc nhằm khuyến khích họ phát huy tài năng.
Quỹ học bổng Trần Văn Khê sẽ tiếp tục được nhân lên thông qua việc kêu gọi các tổ chức, cá nhân có cùng tâm nguyện ủng hộ. Trước mắt Quỹ đã nhận được tài trợ của nhiều mạnh thường quân và từ nguồn tiền bán sách “Trần Văn Khê – Tâm và Nghiệp”, cuốn sách được rất nhiều tác giả tên tuổi viết về những hồi ức của họ với cố giáo sư, tiến sĩ Trần Văn Khê…
RONG RUỔI ĐƯỜNG ĐỜI ĐÁP TRẢ SỨ MỆNH
Tinh thần của Thầy Trần Văn Khê đã theo Thiên Nga đến hôm nay mặc cho nhiều đổi thay và nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đã khiến cô phải san sẻ bớt thời gian của mình cho âm nhạc dân tộc. Có lẽ là quá sức với một phụ nữ mỏng manh như Thiên Nga trong vai trò của một nữ doanh nhân với nhiều hoạt động kinh doanh khá thành công; Một học trò nhỏ của người thầy vĩ đại Trần Văn Khê đang nỗ lực cùng mọi người hoàn thành sứ mệnh lớn mà thầy Trần Văn Khê hằng mong mỏi để góp phần gìn giữ nền âm nhạc truyền thống của dân tộc; và cô hiện đang đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động thiện nguyện tại Việt Nam của nhiều tổ chức từ thiện của các nước lớn trên thế giới.
Nói về ngả rẽ của mình với các tổ chức từ thiện, Thiên Nga có lúc không thốt nên lời “Rất đau lòng và xót xa khi phải nhìn thấy những trường hợp bệnh nhân bị bướu rất lớn trên mặt, trên người và đang phải hàng ngày vác nỗi khổ trên người, tôi có lúc lặng người đi khi tiếp xúc với những bệnh nhân này. Chỉ mong sao họ được trở về với cuộc sống đời thường càng nhanh càng tốt…” Vậy là Thiên Nga lăn xả trong từng ca phẫu thuật từ việc phụ giúp kết nối bệnh nhân với bác sĩ phẫu thuật bướu danh tiếng thế giới, bác sĩ McKay McKinon, người đã phẫu thuật miễn phí cho rất nhiều ca bướu thành công, trong đó phải kể đến trường hợp của bệnh nhân Duy Hải với bướu lớn 90kg là ca mổ bướu lớn nhất nhì trên thế giới đã được đài Discovery Channel làm phim vào năm 2012. Trường hợp khác là em Trung Tuấn ở miền Bắc đã đi khắp 7 bệnh viện khác nhau và tất cả các bệnh viện lớn trong nước đều đã trả về. Rồi đến các công tác liên lạc, ngoại giao với các bệnh viện lớn nhỏ để bệnh nhân được phẫu thuật và điều trị tại chỗ…
Tất cả các hoạt động trên đều miễn phí cho bệnh nhân nhưng công sức để mang đến sự thành công cho các ca phẫu thuật trên không chỉ tính bằng con số. “Nụ cười và sự hòa nhập của bệnh nhân trở lại với xã hội chính là động lực giúp tôi quên đi những khó khăn phía trước để mong sao giúp được cho nhiều người hơn nữa…” Hồ sơ bệnh án của bao nhiêu con người khắp nơi từ khắp đất nước Việt Nam ngày càng nhiều lên khiến cô càng nung nấu quyết tâm phải suy nghĩ ra một hướng đi làm sao cho hiệu quả hơn nữa, giúp được nhiều người bị bệnh hiểm nghèo hơn nữa.
Vậy là lại có thêm nhiều dự tính mới trong hành trình theo đuổi sứ mệnh của mình. Sứ mệnh của Thiên Nga giờ đây không chỉ dừng lại với âm nhạc dân tộc mà là sứ mệnh của con người và văn hóa, giúp cho mỗi người Việt Nam được sống khỏe mạnh trong môi trường âm nhạc giàu bản sắc của dân tộc. Và như Thiên Nga chia sẻ thì cô đang hoạch định một chương trình đưa âm nhạc dân tộc vào việc trị liệu, dùng âm nhạc để chữa bệnh, một phương pháp giảm đau hiệu quả dành cho các bệnh nhân.
Có quá nhiều dự án lớn mà Thiên Nga đã và đang triển khai khiến ta phải suy ngẫm. Cô sẽ cân bằng cuộc sống như thế nào? Thiên Nga chỉ đáp lại với nhiều ưu tư là “Đôi lúc phải buông bớt công việc ra để hướng về gia đình, công việc kinh doanh nhưng rồi lại phải tiếp tục dấn thân vì sự kỳ vọng của rất nhiều người, tôi lại tiếp tục làm việc và làm việc…” Thiên Nga dường như tranh thủ mọi thời gian có thể để làm việc đôi lúc quên cả bản thân.
Nhưng rồi một ngày, Thiên Nga vô tình đọc được lời nhắn nhủ của Thầy Trần Văn Khê cách đây nhiều năm trước “Con có nhiệt tâm, con có ý chí, con có đủ tình thương dân tộc, tình yêu âm nhạc truyền thống, nhưng thường con nhớ mọi việc mà con quên con. Mà con người là một vốn quí không thể để cho mất…” Bút tích của Thầy Trần Văn Khê ở mặt sau của một trong các hình Thầy chụp ở Montreal vào ngày 25 tháng 1 năm 1995 chính là lời nhắc nhở cô về giá trị của bản thân hiện hữu trong chặng đường hoàn thành sứ mệnh của cuộc đời.
Thực hiện: THU LAM