Linh Huyền là nghệ sĩ cải lương, kịch nói, hài; là nhà soạn giả của nhiều chương trình sân khấu Việt Nam. Linh Huyền không chỉ là một nghệ sĩ xuất sắc mà còn là một nhà sáng tạo và người góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và phát triển văn hóa truyền thống Việt Nam. Sự đa tài, tầm ảnh hưởng và những đóng góp cho nghệ thuật sân khấu đã làm cho Linh Huyền trở thành một biểu tượng trong làng nghệ thuật nước nhà.
Tạp chí Phụ Nữ Toàn Cầu đã vinh dự phỏng vấn Nghệ sĩ Linh Huyền trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024, nhân dịp cô từ Itaia về Việt Nam nhận danh hiệu Đại sứ Nghệ thuật Truyền thống bởi Hiệp hội Phát triển Văn hoá Viêt Nam bổ nhiệm.
NGHỆ THUẬT RA ĐỜI TỪ NHỮNG ĐÚC KẾT CỦA XÃ HỘI, CẢI LƯƠNG KHÔNG HỀ NGOẠI LỆ, PHẢI TRẢI QUA HƠN SUỐT THẾ KỶ MỚI CÓ
TỪ DUYÊN NGHỀ SỚM NỞ
Nghệ sĩ Linh Huyền tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Huyền sinh năm 1970 tại Sài Gòn. Linh Huyền đã yêu thích cải lương và được người nhà cho theo học ca cổ với thầy Út Trong từ năm 11 tuổi đến 18 tuổi. (Nghệ sĩ Út Trong là người đã có công đào tạo hơn 50% nghệ sỹ nổi danh cho sân khấu Cải lương Việt Nam).
Năm 1989, khi đang là sinh viên năm thứ nhất khoa Nữ công gia chánh trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật, Linh Huyền đã tham gia các cuộc thi hát tại Thành phố Hồ Chí Minh và đoạt giải Huy Chương Bạc “Giọng ca Cải lương 1989” cùng Giải A “Liên hoan dân ca và hát ru Nam bộ 1989”. Điều này đã đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của cô. Sau 2 giải thưởng quan trọng của thời tuổi trẻ này, Linh Huyền được Trường Nghệ Thuật Sân khấu II mời học đặc cách năm thứ 3 của lớp đào tạo diễn viên Cải lương hệ trung cấp. Sau khi ra trường năm 1990, Linh Huyền đã đóng góp cho nhiều đoàn nghệ thuật, từ Đoàn Cải lương Tuổi Trẻ Sở Thương Nghiệp, Văn Công Đồng Tháp, Trần Hữu Trang đến Sân khấu kịch Idecaf và các đoàn khác.
ĐẾN NGHỆ SĨ ĐA TÀI VÀ NHÀ SOẠN GIẢ NỔI TIẾNG
Linh Huyền không chỉ là một nghệ sĩ Cải lương xuất sắc mà còn là một nhà soạn giả có tầm ảnh hưởng lớn trong làng nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, cô được NSND Viễn Châu nhận làm học trò và truyền nghề viết kịch bản cho sân khấu Cải lương. Linh Huyền đã sáng tác hơn 100 kịch bản, bao gồm vở Cải lương, kịch dài, kịch ngắn, kịch hài, và film nhựa, sitcome.
Linh Huyền còn là đạo diễn, nhà tổ chức biểu diễn nhiều chương trình cải lương, tạp kỹ tại Nhà Hát lớn TP Hồ Chí Minh, rạp Kim Châu, rạp Công Nhân dựng các vở mang đậm chất sử Việt như: “Tiểu anh hùng Nam quốc”; “ Chất Ngọc không tan”; “ Bà chúa thơ Nôm”; “ Trúng độc đắc”. Đặc biệt vở Bà Chúa Thơ Nôm nay đã được phụ đề bằng tiếng Anh, phát hành rộng rãi ra thế giới!
Năm 2011 – đến nay: Linh Huyền xây dựng kịch bản:” Hồn Việt – The Soul of Việt Nam”- Một chuỗi nghệ thuật truyền thống Việt Nam từ Hát Xẩm, Chầu Văn, Cải lương, cho đến môn võ thuật Vovinam, nghệ thuật nặn tò he, cùng những tiếng rao hàng trên đường phố được đan xen nhẹ nhàng vơi tiếng độc tấu của nhạc cụ Bầu, Đàn Đá, T’rưng, Sáo….làm nên bản nhạc kịch thể hiên văn hoá Việt theo chiều Nam tiến, hấp dẫn phục vụ khách du lịch. “Hồn Việt – The Soul of Vietnam” đã toả sáng trên Nhà hát lớn Thành Phố Hồ Chí Minh và Nhà hát lớn Hà Nội và đã thật sự chinh phục trái tim của những du khách khắp năm châu. Chương trình “ Hồn Việt – The Soul of Vietnam” được trang du lịch danh tiếng Tripadvisor của Mỹ, bình chọn là “ Điểm đến văn hoá hấp dẫn nhất trong số 76 điểm đến hấp dẫn tại Thành phố Hồ Chí Minh.”
BẢO TÀNG CẢI LƯƠNG NAM BỘ
Ý tưởng sáng lập Bảo tàng Cải lương Nam Bộ đã nảy sinh từ khi nào với một người có tâm hồn nghệ sĩ như chị?
Từ lúc, nhận thêm được những di vật, tài liệu âm nhạc Cải lương từ người thầy – Nhạc sĩ Út Trong (1920-2005) bổ sung vào bộ sưu tập mà Linh Huyền đã cất công sưu tập gìn giữ từ lâu, Linh Huyền tự cảm thấy mình có trách nhiệm phải chia sẻ ra cộng đồng, để cùng nhau chiêm ngưỡng những tinh hoa đẹp đẽ của cải lương mà cha ông đã tạo ra.
Hơn nữa, từ lúc đọc kỹ lưỡng được những tài liệu quý giá đó, Linh Huyền phát hiện rằng: Âm nhạc Cải lương chứa đựng cả bầu vũ trụ, là triết lý của âm dương ngũ hành, của thành trụ hoại không trong trời đất, của trùng trùng duyên khởi trong triết lý Phật giáo, là bộ môn khoa học tự nhiên vô cùng bác học, chứ không hề đơn giản như dân gian truyền khẩu “Xướng Ca Vô Loài”. Và tất nhiên, nói sẽ không ai tin, nhưng thấy ắt sẻ tâm phục khẩu phục cái vĩ đại mà ông bà đã tạo dựng nên, khi một lần đến tham quan nơi gìn giữ những vật chứng ấy.
Bảo tàng Cải lương Nam Bộ được thiết kế để thể hiện và bảo quản di sản nghệ thuật cải lương. Chị nghĩ rằng bảo tàng có thể giúp thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về nghệ thuật truyền thống này và giữ gìn giá trị Cải lương Nam bộ?
Người lớn chúng ta hay trách thế hệ trẻ vong bản, lai căng, không giữ gìn bổn sắc dân tộc, nhưng rõ ràng
chúng ta không trưng bày cái muốn gìn giữ, bảo tồn thì làm sao thế hệ trẻ biết mà phát huy?! Bảo tàng là nơi kết nối giữa quá khứ với hiện tại để tiến tới giá trị trong tương lai!
Trong quá trình xây dựng Bảo tàng, chị đã phải đối mặt với những thách thức gì và làm thế nào để vượt qua chúng?
Thực tế, với quá nhiều những đùn đẩy, ách tắc hành chính, mặc dầu đề án xây dựng Bảo tàng Cải lương Nam Bộ đã được công văn đồng thuận từ UBND Thành phố Hồ Chí Minh từ 2015 và các ban ngành liên quan như Tài nguyên môi trường, kiến trúc, di sản….nhưng đến nay, vẫn chưa thống nhất quỹ đất để Bảo tàng Cải lương Nam Bộ được xây dựng. Với những thách thức như vậy nhưng với tâm nguyện của mình Linh Huyền đã không nản chí mà đã đưa tất cả tạm thời di dời lên không gian, nên khán giả có thể tham quan Website “Bảo tàng Cải lương Nam Bộ “. Linh Huyền vẫn rất trăn trở và mong đợi những ách tắc hành chính mau được thông qua để Bảo tàng Cải lương Nam Bộ sớm ra mắt khán giả và người mộ điệu.
Chị có kế hoạch nào để tạo ra các chương trình giáo dục và sự kiện tại Bảo tàng để tăng cường sự hiểu biết và sự quan tâm đối với nghệ thuật cải lương?
Trên bảo Website Bảo tàng Cải luơng Nam Bộ, các bạn yêu mến Cải lương có thể download giáo trình Học ca cải lương từ Nhứt Lý, Nhì Ngâm, Tam Nam, Tứ Oán, Ngũ Điểm, Lục Xuất, Thất Chính, Bát Ngự, Cửu Nhĩ, Thập Thủ Liên Hườn, Hai mươi câu Vọng Cổ nhịp 2, nhịp 4, nhịp 8, nhịp 16, nhịp 32…..và hàng trăm bài bản Lý, Dân Ca, Hò Vè…vv. Ngoài tiếp cận những văn bản bài ca, tuồng tích….người tham quan còn được nghe, nhìn lại những vở Cải lương xưa kinh điển. Ngoài ra, phòng karaoke sẽ tập dượt cho người học, hát được theo đúng cung đàn, âm giai, điệu thức, làn hơi trong âm nhạc Cải lương!
Chị nghĩ rằng Bảo tàng Cải lương Nam Bộ có thể đóng góp như thế nào trong việc giới thiệu nghệ thuật cải lương của Việt Nam đến thế giới?
Khi du lịch ở một quốc gia nào, là người đi muốn tìm hiểu văn hoá của quốc gia đó, nên Bảo tàng là điểm đến đầu tiên của khách du lịch khi tham quan một quốc gia mà họ quyết định đến!
Trong quá trình tìm kiếm và thu thập tư liệu cho Bảo tàng, bạn đã có những trải nghiệm thú vị hoặc những câu chuyện đặc biệt nào không?
Có thật nhiều những kỷ niệm khác nhau, nhưng với khuôn khổ giấy mực, chắc chắn sẽ không kể hết, nhưng bài học thú vị nhất trong quá trình sưu tập đó là: “ Cái khó ló cái khôn” là một trong những tập tính di truyền trội nhất của con người Việt nam. Ví dụ: Những khi lưu diễn dài hạn, số lượng mỹ phẩm không đủ để sử dụng, ông bà mình phải đi xin lọ nồi trong dân chúng, pha với mỡ gà để vẽ mắt và chân mày. (Linh Huyền vẫn còn giữ một hũ của nghệ sỹ Thanh Sang).
Chị có kế hoạch hợp tác với các nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật cải lương để duy trì và phát triển Bảo tàng trong tương lai không?
Có. Hạng mục nhà hát trong đề án bảo tàng là nguồn doanh thu chính, nên rất nhiều các hoạt động nghệ thuật cho mỗi độ tuổi được lên kế hoạch từ rất sớm!
Chị nghĩ rằng Bảo tàng Cải lương Nam Bộ có thể giúp kích thích sự sáng tạo và phát triển của nghệ thuật cải lương không?
Chẳng những kích thích mà còn dung dưỡng lòng tự hào dân tộc, từ đó sẽ khai phóng tâm hồn kết hợp cùng tài năng sẵn có, sẽ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật vị nghệ thuật Việt nam nói riêng và song hành cùng nhân loại nói chung.
Thông điệp hoặc lời chia sẻ gì chị muốn gửi đến những người yêu mến và ủng hộ Bảo tàng Cải lương Nam Bộ?
Đề án xây dựng Bảo tàng Cải lương Nam Bộ là của riêng Linh Huyền, nhưng khi Bảo tàng thành hiện thực thì đó là công trình chung của chúng ta – Những người con đất Việt – Và thế hệ trẻ phải có trách nhiệm giữ gìn.
TRỞ THÀNH ĐẠI SỨ NGHỆ THUẬT TRUYỀN THỐNG
Chúc mừng Linh Huyền về việc trở thành Đại sứ nghệ thuật truyền thống. Chị cảm nhận gì khi đảm nhận vai trò này?
Cảm ơn lời chúc của bạn. Khi được đảm nhận vai trò này, Linh Huyền rất vui vì đó là chìa khoá để giúp Linh Huyền mở cánh cổng sở hữu con đường đi đến ước mơ của mình nhanh hơn.
Trong suốt sự nghiệp của mình, chị đã thực hiện nhiều sáng tác cải lương xuất sắc. Được biết chị sống và làm việc tại châu Âu đã lâu, vậy làm thế nào để chị vẫn làm được nghệ thuật cải lương ở châu Âu?
Châu Âu là lục địa già của nền văn minh nhân loại, nơi mà Linh Huyền được trực tiếp học hỏi, tiếp cận nghệ thuật tương đồng như Opera, và cũng nhờ công nghệ 4.0 nên những tác phẩm sáng tác mới của Linh Huyền cũng nhanh chóng và dễ dàng tiếp cận khán giả mộ điệu qua mạng xã hội, cụ thể trong đợt đại dịch vừa qua Linh Huyền cũng đã tổ chức thành công đêm diễn vở “Bên Cầu Dệt Lụa” trên sân khấu không gian Sky Theater, trong khi nghệ sĩ mỗi người ở một quốc gia khác nhau, và khán giả không thể bước ra khỏi nhà. Đồng thời cuộc thi tuyển lựa giọng ca Cải lương Online mang tên “ Út Trong Award” cũng ra đời trong thời điểm này. Và cuộc thi này sẽ được tổ chức định kỳ hai năm một lần.
Là một Đại sứ nghệ thuật, chị có kế hoạch nào để giới thiệu và tăng cường sức hút của nghệ thuật truyền thống Việt Nam tại châu Âu?
Thỉnh thoảng, những buổi nói chuyện về văn hoá nghệ thuật truyền thống ở các trường đại học danh tiếng ở Ý như Ca’ Foscari và Turino ….đã làm ngạc nhiên và tò mò về âm nhạc truyền thống Việt Nam của giới trí thức Châu Âu nói chung và nước Ý nói riêng, nên khi nhận được danh hiệu Đại sứ Nghệ Thuật Truyền Thống Việt Nam, Linh Huyền sẽ mạnh dạn giới thiệu, đề cử nghệ thuật sân khấu truyền thống nước nhà được tham dự Opera Festival được tổ chức định kỳ tại Ý.
Làm nghệ thuật cải lương nhưng lại sống tại châu Âu, chị gặp phải những thách thức gì và chị đã làm thế nào với những thách thức ấy?
Được sống trong cái nôi của nghệ thuật opera (Cải lương cũng được dịch là Việtnamese Opera) Linh Huyền được may mắn nhận diện sự giống và khác nhau giữa cái danh từ Kịch Hát và năng lực thực thụ được đòi hỏi của một người nghệ sĩ. Từ đó, Linh Huyền tự nhủ mình phải học nhiều hơn nữa, từ luyện thanh, nhạc lý, ngôn ngữ nước ngoài…. vv…để cũng là một danh từ nghệ sĩ kịch hát được gọi chung cho nghệ sĩ kịch hát toàn cầu, thì năng lực phải tương đồng. Điều này, Linh Huyền đã và đang áp dụng trong giáo trình giảng dạy Ca Cải lương Online cho học viên của mình.
Chị có kế hoạch hợp tác với các nghệ sĩ tại châu Âu để tạo ra những dự án và sự kiện nghệ thuật không?
Có chứ. Linh Huyền hy vọng sẽ sớm ra mắt khán giả tác phẩm opera ( xin phép được dấu đề tựa). Trong tác phẩm opera này, nghệ sỹ Ý và Việt cùng biểu diễn một tích tuồng nổi tiếng thế giới.
Theo chị, tầm quan trọng của việc duy trì và phát triển nghệ thuật truyền thống trong bối cảnh toàn cầu hóa là gì?
Nghệ thuật truyền thống của một quốc gia là dòng sông văn hoá, mà phù sa là sự kết tủa của những tập
tục, thuần phong, đạo đức, theo suốt chiều lịch sử, xã hội của dân tộc đó, nên nếu mỗi dân tộc không giữ được nét văn hoá đặc trưng cốt lõi của quốc gia mình, sẽ dễ dàng bị hoà tan trong dòng chảy lịch sử toàn cầu hoá.
Chị có thông điệp gì muốn gửi đến cộng đồng người hâm mộ và khán giả yêu mến nghệ thuật cải lương của mình trong nhiệm kỳ thách thức và trách nhiệm mới này?
Nghệ thuật ra đời từ những đúc kết của xã hội, Cải lương không hề ngoại lệ, phải trải qua hơn suốt thế kỷ mới có, do vậy, để giữ cho di sản Cải lương tồn tại với nguyện vẹn giá trị từ thuở khai sinh, là trách nhiệm của mỗi con dân nước Việt, nên nếu chỉ một Đại sứ dù có nỗ lực và tài cán đến đâu cũng không thay đổi được gì, nếu không có sự góp sức của khán giả mộ điệu Cải lương.
Cảm ơn chị. Chúc chị một năm mới 2024 nhiều sức khỏe, may mắn và vạn sự như ý.
Bài: THÙY TRANG