Khi đọc bài viết “giọt nước mắt của mẹ” do một nữ doanh nhân chia sẻ trên mạng xã hội đang trở thành đề tài đánh động trái tim của biết bao người con đang còn có mẹ, cảm xúc trong tôi chực dâng trào.
Tôi vốn mồ côi mẹ từ khi còn nhỏ. Những năm tháng thơ ấu của chúng tôi chỉ quanh quẩn trong nhà để chực chờ được mẹ chăm bẵm cho ăn như con chim non nớt chỉ nhờ có mẹ mới sống nổi. Ngày ấy, anh chị em chúng tôi không hiểu vì sao mẹ lại quá khổ như vậy. Một mình bươn chải, dầm mưa dãi nắng buôn bán tần tảo để mưu sinh, nuôi nấng 5 anh chị em chúng tôi đang trong tuổi ăn tuổi học.
Cực nhọc là vậy nhưng chưa hề nghe tiếng thở than của mẹ. Gương mặt mẹ cứ gầy guộc đi mỗi ngày. Rồi mái tóc người mẹ trẻ đã điểm bạc vì lao tâm, lao lực để cố gắng chút hơi sức vì đàn con thương yêu.
Nhưng rồi mẹ bệnh nặng và lìa đời. Lúc ấy, tôi còn nhỏ dại nhưng cũng bắt đầu nhận ra, khoảnh khắc đau khổ ấy của chúng tôi có lẽ lại là điều tốt nhất dành cho mẹ? Chỉ khi mẹ nằm xuống, gương mặt yên bình, nét mặt không còn hằn in dấu chân chim nữa, một hình ảnh đẹp về mẹ mà tôi không bao giờ bắt gặp khi mẹ còn sống.
Trở lại với bài suy ngẫm “giọt nước mắt của mẹ” mà chị doanh nhân ấy đã viết, tôi chợt nhận ra quả thật suy nghĩ trẻ con non nớt của tôi ngày mẹ mất có lẽ không sai. Lối thoát duy nhất dành cho họ chính là sự an nghỉ chăng? Tại sao mẹ không được có sự lựa chọn cuộc sống an nhàn hơn, hạnh phúc hơn? Ngày nào còn sống, họ vẫn còn đeo cái gông của trách nhiệm quá nặng trên đôi vai gầy. Chính điều đó đã giết chết hình ảnh đẹp mà mẹ xứng đáng có được. Và chỉ còn đọng trên gương mặt gầy guộc ấy là những giọt nước mắt vẫn chực trào dâng trong lòng mẹ cho đến tận tuổi xế chiều.
Dưới đây là trích đoạn chia sẻ chân tình, đầy bao dung của một người phụ nữ thành đạt trên thương trường đang từng ngày nỗ lực để xoa dịu những mất mát, thiệt thòi trong lòng những bà mẹ Việt Nam, lẩn khuất đâu đó tâm tư của riêng chị chăng?
“Giọt nước mắt của mẹ – “Một bông hồng cho em, một bông hồng cho anh, và một bông hồng cho những ai đang còn mẹ”, có lần nghe câu hát này tôi và một số đồng nghiệp hỏi một câu nửa đùa, nửa thật: “Vậy là toàn hoa hồng cho con, chứ có hoa nào cho mẹ đâu?”.
…
Có lần tôi hỏi mẹ tôi rằng, điều gì quen thuộc với mẹ nhất và thật bất ngờ khi nhận được câu trả lời đó là sự cô đơn. Mẹ bảo, sinh, nuôi dạy con trong một môi trường mà đàn ông cái gì cũng đổ hết lên vai phụ nữ đã là cô đơn lắm rồi và khi về già, một sự sợ hãi, nỗi ám ảnh mơ hồ là bị con bỏ rơi. Tôi biết, cảm giác đó của mẹ tôi thường trực trong suy nghĩ của không ít những bà mẹ khác, dù họ không nói ra.
…
“Ai có mẹ xin đừng làm mẹ khóc”, câu mà người ta vẫn hay nói với nhau có gì đó lạnh lùng quá. Chỉ “đừng làm mẹ khóc” thôi ư? Những thấu hiểu về nguồn cơn của những giọt nước mắt mẹ để con cái hành động đúng chữ hiếu, thì bạn, tôi và tất cả chúng ta, đã thực sự làm được trọn vẹn?….”
Thực hiện: THU NGỌC