Yêu thương bản thân – cách tốt nhất vượt qua khủng hoảng Kích hoạt năng lượng cá nhân, xây dựng bánh xe cuộc đời, yêu thương bản thân và những câu chuyện thật xoay quanh khủng hoảng cũng như cách vượt qua được các nữ doanh nhân chia sẻ tại hội thảo Trực tuyến với chủ đề “Vượt qua khủng hoảng cuộc đời” do Hội Nữ Doanh Nhân TPHCM (Hawee) tổ chức vào lúc 14h ngày 08/10/2021.
Trong giai đoạn dịch Covid-19, các chuyến bay quốc tế tạm dừng hoạt động, TP.HCM cũng thực hiện giãn cách xã hội, bà Lê Thị Thanh Lâm – Nguyên Phó Tổng giám đốc Công ty Sài Gòn Food, Phó Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM (HAWEE) đã trải qua những ngày một mình buồn tẻ tại nhà vì tất cả con cháu đều đang sống ở nước ngoài. Bà Lâm cho biết đó là thời điểm bánh xe cuộc đời bà không cân bằng, năng lượng trong mảnh ghép gia đình bị giảm và ảnh hưởng nhiều đến các khía cạnh khác của cuộc sống.
Xoay quanh vấn đề này, các diễn giả khác cũng cởi mở chia sẻ câu chuyện và khủng hoảng khi họ cảm thấy một mình. Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia, tác giả của nhiều đầu sách dành cho người trẻ như Tôi đi tìm tôi, Tôi tương lai và thế giới… chia sẻ: “Khi còn trẻ lúc nào tôi cũng tự mình làm mọi việc, tự mình đưa ra quyết định và cũng tự mình giải quyết các vấn đề. Tôi rơi vào khủng hoảng là khi cảm thấy bản thân thực sự chỉ có một mình.
Mọi thứ đều phải tự nghĩ, tự làm, chuyện gì cũng tự gánh và không có sự hỗ trợ tinh thần từ bất kỳ ai, ở bất cứ đâu”. Mỗi chúng ta, ai cũng sẽ ít nhất một lần trải qua cuộc sống hoặc cảm giác một mình. Điều này mang lại những giá trị tích cực hay gây ra khủng hoảng là do cách đón nhận của từng cá nhân. Đa số những trường hợp cảm thấy cô đơn, lạc lõng và chỉ có một mình là do tự suy nghĩ và tưởng tượng ra. “Tuy nhiên, thi thoảng tôi cảm thấy cô độc vì tôi của lúc đó không thể chia sẻ vấn đề đang gặp, tôi không biết phải chia sẻ với ai và luôn sợ chia sẻ thì bị đánh giá vì không ai hiểu mình” – bà Trần Phương Ngọc Thảo – Thành viên HĐQT, Giám đốc Chuyển đổi số tại Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) bày tỏ.
“Để vượt qua khủng hoảng về cảm giác một mình, cách duy nhất chúng ta có thể làm là tìm đến sức mạnh của người thân và cộng đồng. Mẹ ơi, con buồn! Ba ơi, con cần sự giúp đỡ! là những bước đầu đưa tôi thoát khỏi khủng hoảng và đó cũng là bước trưởng thành của tôi. Tôi nhận ra khi bản thân cởi mở thì các vấn đề sẽ dần nhỏ đi và khi nội tâm vững vàng thì tôi có thể cho đi nhiều hơn” – bà Thảo chia sẻ. Bánh xe cuộc đời Bắt nguồn từ Phật giáo Tây Tạng, mô hình bánh xe cuộc đời gần đây được chú ý nhiều trên hành trình phát triển bản thân và giúp người trẻ vượt qua khủng hoảng. Với 8 thành phần gồm: Tài chính, sự nghiệp/thành công, sức khỏe/vận động, quan hệ gia đình, quan hệ xã hội, niềm vui cuộc sống, đời sống tinh thần, sáng tạo/học hỏi, mô hình này giúp con người tự nhận thức về những điều đã và chưa hài lòng trong cuộc sống, đồng thời xác định và tập trung vào những điều quan trọng nhất trong mỗi giai đoạn.
Theo kinh nghiệm áp dụng bánh xe cuộc đời trong nhiều năm, bà Vân cho biết để cân bằng 8 khía cạnh trong mô hình này là điều không dễ dàng, song nếu nhận thức được bản thân đang tăng, đang giảm và đang chệch hướng như thế nào thì bạn hoàn toàn có thể điều khiển được cuộc sống. 8 mảnh ghép trong bánh xe không tách rời nhau mà có mối quan hệ chặt chẽ, khi một khía cạnh tăng thì những khía cạnh khác cũng tỷ lệ thuận theo. Ví dụ trong thời gian làm việc tại công ty nước ngoài, bà Vân có điểm số cao ở các khía cạnh như tài chính, sự nghiệp nhưng các khía cạnh sáng tạo, học hỏi và quan hệ xã hội bị giảm vì khác môi trường, khác văn hóa khiến bà khó hòa nhập với đồng nghiệp trong những câu chuyện ngoài văn phòng.
“Sau khi dành thời gian để tìm hiểu những vấn đề về âm nhạc, hội họa, cuộc sống… mà đồng nghiệp nước ngoài hay trao đổi tôi có thể kết nối với họ nhiều hơn, mối quan hệ trong công ty tốt lên và công việc cũng thăng tiến theo” – bà Vân chia sẻ. Đặt trong tương quan với khủng hoảng, mô hình bánh xe cuộc đời có tác dụng định hướng và khám phá. Bởi khủng hoảng là vấn đề không ai lường trước được, nó có thể bất ngờ ấp đến và thử thách khả năng chịu đựng của con người. Vì vậy, thay vì trốn tránh và sợ hãi mỗi người nên học cách chấp nhận và tìm cách vượt qua. Sau nhiều khủng hoảng cuộc đời, bà Lê Thị Thanh Lâm nghiệm ra: “Tiềm năng trong mỗi người là rất lớn, nếu có sự chuẩn bị và biết phát huy thì khủng hoảng không là vấn đề. Dựa vào mô hình bánh xe cuộc đời để nhận biết, khám phá tiềm năng tiềm ẩn, đặt mục tiêu và xây dựng kế hoạch phát triển phù hợp là cách để chuẩn bị và sẵn sàng đối diện với khủng hoảng”.
Học cách yêu thương bản thân Trên hành trình phát triển, con người ít nhiều sẽ đối mặt với khủng hoảng. Sau nhiều khủng hoảng, bà Thảo nhận ra khủng hoảng là do tự bản thân mỗi người cảm nhận và tự mình làm nó trở nên trầm trọng hơn vì những cảm giác tiêu cực như tự trách chính mình, tự đổ lỗi cho bản thân và cứ co mình trong vùng khủng hoảng. Để giải quyết vấn đề, trước hết và quan trọng nhất, theo các diễn giả phải hiểu được điều này và tự bản thân tìm cách vượt qua. Trong những trường hợp không may rơi vào khủng hoảng thì mỗi người nên học cách tự yêu thương và tự tha thứ cho bản thân. Con người sẽ liên tục hoàn thiện để phát triển, khủng hoảng và những bất trắc trong cuộc sống chỉ là thử thách để mở ra cơ hội mới. “Bạn có thể nhìn khủng hoảng theo hướng tích cực bằng cách nhìn lại bạn của quá khứ với những việc đã làm rất tốt. Còn việc của hiện tại là biết mình đang gặp phải một số khó khăn nhưng đừng bắt ép mình phải giải quyết chúng.
Thay vào đó, hãy cho phép bản thân nghỉ ngơi, thư giãn và sống thoải mái hơn, dần dần tự bạn sẽ xóa bỏ được các rào cản và khủng hoảng tinh thần cũng tự nhiên biến mất” – bà Thảo gợi ý. Ngoài ra, khi gặp khủng hoảng, cũng có thể áp dụng 7 cách kích hoạt năng lượng cá nhân để “sạc đầy pin” do đại điện Mentally Fit Global chia sẻ. 7 cách này gồm: ngủ, cung cấp đủ nước và các chất dinh dưỡng cho cơ thể, vận động thể chất, nhận định vấn đề đúng mức, nghỉ ngơi một cách chủ động, phân biệt rõ ràng giữa thời gian cho công việc và thời gian cho bản thân, tương tác với những người xung quanh hoặc quan tâm chăm sóc người khác. Suy nghĩ cho cùng, chỉ bạn mới là người hiểu bản thân bạn nhất. Vì vậy, khi gặp khủng hoảng hay khi đã vượt qua thì chính bạn là người có vai trò quyết định. Hãy học cách yêu thương bản thân đúng cách và nhìn nhận, xây dựng bánh xe cuộc đời vững chắc để luôn là “anh hùng” trong mọi cuộc khủng hoảng.
Hãy xem khủng hoảng là một “món quà” Bà Nguyễn Phi Vân – Chủ tịch HĐQT Công ty Retail & Franchise Asia – cho rằng, hãy xem khủng hoảng là chuyện nhỏ, ai trong cuộc đời cũng sẽ gặp phải và có thể xảy ra nhiều lần. Tất cả mọi thứ đều có sự kết nối, khi sức khỏe thể chất, tinh thần tốt thì sự nghiệp, tài chính… sẽ càng tốt. “Đối với các bạn trẻ, hãy chơi nhiều hơn một chút, khám phá bản thân nhiều hơn thì mới biết được bản thân có những tiềm năng gì. Những tiềm năng này có thể sẽ vận dụng được vào kinh doanh, tạo ra những ý tưởng, sáng tạo, sản phẩm mới”, bà Vân nói.
Theo bà Trần Ngọc Phương Thảo, Thành viên HĐQT Công ty Vàng bạc đá quý Phú Nhuận, có nhiều lúc chính bản thân chúng ta làm cho khủng hoảng trở nên nghiêm trọng hơn. Mỗi người phải luôn sẵn sàng chấp nhận, đối diện với khủng hoảng bởi nó có thể ập đến bất cứ lúc nào. “Để giải quyết khủng hoảng, phải hiểu rằng chỉ có bản thân mới kéo được chính mình thoát khỏi khủng hoảng. Đương nhiên có tác nhân bên ngoài gây ra khủng hoảng, nhưng cuối cùng thì không thể ngồi một chỗ để chờ ai đó kéo ra. Bản thân hoàn toàn có thể làm cho khủng hoảng nhẹ hơn, rút ngắn thời gian để giúp mạnh mẽ, trưởng thành hơn”, bà Phương Thảo chia sẻ. Cũng theo bà Phương Thảo, cho biết khủng hoảng cũng là cơ hội để hoàn thiện bản thân. Cho nên hãy nhìn khủng hoảng như một “món quà” và hãy vượt qua, mỉm cười, hãy cố gắng làm tốt hơn.
Đối với các bạn trẻ, đừng ngại thất bại, hãy luôn đối diện với khó khăn, thử thách để khám phá được tiềm năng vô tận của bản thân. Mỗi người chúng ta đều có những tiềm năng tiềm ẩn sâu mà bản thân chúng ta không biết được và không khai thác được. Đừng để đến khi có bất trắc, có khủng hoảng mới bật ra những tiềm năng đó thì rất uổng phí. Hãy chủ động phát huy để giúp cho bánh xe cuộc đời được tròn trịa, cân bằng. Giúp cho cuộc đời sẽ hạnh phúc, vui vẻ hơn”, bà Lê Thị Thanh Lâm nói.
Theo tổng kết BTC chương trình. Ban Truyền Thông của Hội Nữ Doanh Nhân TPHCM (Hawee) cho biết gần 1.000 người tham dự zoom và 1,8K lượt xem trên Facebook, với chủ đề hay hấp dẫn là đề tài giúp cho các Nữ Doanh nhân thêm một góc nhìn lạc quan, yêu đời và tự tin vượt qua khó khăn trong cuộc đổi mới bình thường hoá với những biến cố, để giúp cân bằng tạo động lực cho các Nữ Doanh Nhân tiến bước trong công cuộc cách mạng tư duy, trước những khó khăn vươn lên thích ứng trong mọi hoàn cảnh, nâng cao vị trí của mình trong đại dịch covid bình thường hoá công việc và gia đình với Bánh xe cuộc đời giúp thay đổi sức mạnh tiềm ẩn “Yêu thương bản thân – cách tốt nhất vượt qua khủng hoảng”!