Trong giao tiếp, người Việt vốn dĩ tế nhị và ý tứ nên có thói quen luôn cân đo đong đếm trước khi nói năng: “Ăn có nhai, nói có nghĩ”, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”, “Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”… Cho nên, bài học về nói năng được người Việt cho là quan trọng và học từ nhỏ cho đến suốt cuộc đời: Học ăn, học nói, học gói, học mở.
Đối với một phụ nữ thì lời ăn tiếng nói lại càng quan trọng. Chữ Ngôn đã được xếp là một trong 4 đức tính của người phụ nữ: Công, Dung, Ngôn, Hạnh.
Ở mỗi gia đình, người mẹ đóng vai trò rất quan trọng trong việc uốn nắn lời ăn tiếng nói cho các con. Rất nhiều người đã làm tốt vai trò này, nhân ngày Phụ Nữ Việt Nam 20/10 này, tôi xin kể về niềm yêu mến và chút khen ngợi đối với người em gái rất thân của tôi về cách dạy con dạy cháu.
Bản thân cô ấy là người thẳng thắn có phần hơi nóng tính nhưng cô ấy rất coi trọng lời ăn tiếng nói và thái độ cư xử. Nhà cô ấy có 2 con gái, cháu Trang là chị và cháu Mai là em. Cả Trang và Mai, tôi đều quý mến vì các cháu có cách ăn nói nền nã, thái độ dịu dàng. Trang và Mai đều đã trưởng thành và lập gia đình riêng, cả hai đang công tác trong ngành hàng không Việt Nam. Cả hai đều rất yêu mẹ, dù bận rộn công việc tới đâu nhưng nhưng Trang và Mai đều dành thời gian cho mẹ và gia đình. Cả 2 người con rể cũng rất quý trọng mẹ vợ. Tôi thường khen cô ấy là có số được con gái và con rể thương quý kính trọng nhưng thực ra tôi biết Trang và Mai phải ăn ở đối xử nhu hoà thế nào thì gia đình mới có được 2 chàng rể như 2 người con một nhà như thế.
Nhìn cách 2 con gái nhẹ nhàng ân cần với mẹ mà thấy ấm lòng. Trong những ngày giãn cách vừa qua, sợ mẹ buồn, Trang và Mai đã cùng chồng về ở cùng nhà mẹ, để mẹ không lo lắng. Tôi rất thích cách Trang và Mai luôn đồng thuận với tất cả những việc mẹ muốn làm. Thấy mẹ đón các cháu con người anh em họ hàng về chăm cho bố mẹ các bé yên tâm đi làm công việc chống dịch, thì Trang và Mai cũng vui vẻ cùng mẹ chăm sóc các cháu của mình. Trang và Mai cùng mẹ dành thời gian và tình cảm chăm sóc dạy dỗ các cháu nhỏ của gia đình, vì thế, tuy là trong mùa dịch nhưng các cháu nhỏ đã có được một kỳ nghỉ tuyệt vời, được chăm sóc từ bữa ăn giấc ngủ cùng bao điều bổ ích.
Thấy mẹ muốn nấu ăn cho các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch thì Trang và Mai cũng không quản vất vả sẵn sàng bỏ thời gian, công sức ra làm bánh, nấu cơm, nấu chè, nấu bún, mỗi ngày một món để gửi lên cho các bác sĩ bệnh viện tuyến đầu. Tôi hay đùa: “chống dịch mà sao nhà em như ăn Tết vậy. Mua gì mà mấy chục ký thịt heo thịt bò, mấy chục ký cá tôm một lúc vậy. Ngày nào cũng đỏ lửa từ sáng tới tối nấu hết thức này đến món kia vậy”. Tôi đùa vui mà là thầm khen ngợi và quý nể cô ấy và các con gái của cô ấy.
Ngoài giờ nấu ăn, Trang và Mai còn dạy các cháu học, dạy các cháu cách ăn, cách cư xử. Trung thu năm nay nằm trong những ngày cách ly, thương các cháu của mình, Trang và Mai đã bỏ công và dùng hết tài năng bất đắc dĩ của mình để làm ra những chiếc đèn trung thu khá đẹp cho các cháu nhỏ có đèn để rước vòng vòng trong nhà cho có không khí trung thu. Nhờ sự dịu dàng yêu thương vậy nên trong nhà lúc nào cũng lan toả không khí hoà ái vui vẻ, tạo ra môi trường rất tốt cho mọi người nhất là các cháu nhỏ.
Trong một lần trao đổi về việc này, tôi rất đồng ý với cô ấy về cách dạy các con các cháu của cô ấy. Cô ấy dạy các con phải nói năng, cư xử lịch sự với mọi người, Cô ấy là người rất uy quyền trong nhà nhưng với mấy cháu nhỏ, cô ấy lại rất từ tốn, cô ấy không bao giờ ngắt lời bọn trẻ, bao giờ cô cũng để chúng nói hết mới nhận xét và dạy nên phải thế này nên phải thế kia mới đúng. Cô còn dạy các cháu nhỏ trong nhà ăn uống phải từ tốn nhẹ nhàng với quan điểm là “phải uốn nắn từ bé như thế thì sau này các cháu mới lịch thiệp được”. Quan điểm này đúng vì hành vi ứng xử tự trọng, giữ ý tứ, nhã nhặn ở chốn đông người không thể tự nhiên mà có. Tất cả đều phải uốn nắn từ khi còn nhỏ mới có được.
Trong cuộc sống, nhiều người thường hiểu lầm rằng người giỏi ăn nói là người ăn nói khoa trương, nói như thánh. Nhưng thực ra không phải, người thông minh giỏi ăn nói là người biết khi nào nên nói, khi nào nên im lặng. Người giỏi ăn nói thực ra là người ít nói và lắng nghe nhiều. Và đặc biệt người khôn ngoan rất ít nói về bản thân. Người giỏi ăn nói là người giỏi giữ mồm giữ miệng, tôn trọng người khác. Người giỏi ăn nói là người khiêm tốn, dù họ có học hành xuất sắc, giàu có thì họ càng khiêm tốn và thận trọng trong lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Người giỏi ăn nói là người nói ra những lời nói vui vẻ trong một ngữ cảnh hài hòa. Người thông minh giỏi ăn nói là người không bao giờ bới móc chuyện người khác và không bao giờ nói lời cay nghiệt.
Kể một câu chuyện về cách dạy con của bạn tôi là tôi muốn nói rằng bản thân tôi rất yêu quý những người ăn nói nhẹ nhàng, hiểu biết và ý tứ. Và tôi nghĩ ai cũng sẽ thích những người như vậy. Người xưa có câu “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe” là đề cao giá trị của lời ăn tiếng nói.
Nhân ngày 20/10, xin chúc các chị em luôn gặp được những điều tốt lành vui vẻ và cùng nhau học hỏi những điều hay, mỗi ngày xây dựng một nếp sống tốt để cuộc sống nhẹ nhàng thảnh thơi.