ẤN PHẨM PHỤ NỮ TOÀN CẦU

TOP 100

Cô Ba Huân – THUỞ THĂNG TRẦM ĐÃ QUA

“Đến tầm tuổi này rồi bao nhiêu vinh quang lẫn cay đắng tui đều nếm trải đủ cả…”, nữ doanh nhân có tên trong danh sách những người phụ nữ quyền lực nhất Việt Nam do tạp chí Forbes bình chọn trong những năm gần đây, cô Ba Huân, cho biết cô vẫn luôn cố gắng nạp đầy năng lượng mỗi ngày để “ráng” làm sao lo cho tròn vẹn mọi bề.

Cô Ba Huân với dáng điệu mau mắn chỉ tay về phía công trình vẫn còn ngổn ngang cát đá xây dựng với vô số tiếng ồn hỗn tạp inh ỏi vang rền khắp tòa nhà văn phòng chính của công ty Ba Huân ở Nguyễn Đình Chi, Quận 6, TP.HCM, nơi hàng chục nhân sự đầu não của công ty Ba Huân đang miệt mài làm việc.

“Tụi bây ráng đốc thúc nhau làm cho xong sớm cho cô, cô sẵn sàng chi thêm tiền để tăng ca…”, người phụ nữ trông dáng dấp rõ nét một thương buôn miệt vườn xốc vác với giọng nói chân chất của một “nông dân” nhưng vẫn tỏ rõ vai vế một bà chủ lớn.

Đang vào thời điểm cuối năm, Cô Ba Huân sốt ruột được chứng kiến văn phòng làm việc mới đi vào hoạt động – Một mô hình văn phòng hiện đại mà Cô không ngại đầu tư hoàn thiện trong năm 2018 để đảm bảo cơ ngơi làm việc tiêu chuẩn dành cho dàn nhân sự cấp cao được đánh giá toàn những nhân tài trong từng bộ phận mà Cô Ba Huân thu phục về với kỳ vọng trao cho họ sứ mệnh thay Cô gìn giữ và phát triển thương hiệu Ba Huân mà Cô đã dành cả đời để cống hiến.

Ông Phạm Thanh Hùng, người em thứ Bảy của Cô hiện đang phụ trách mảng truyền thông đối ngoại của công ty cho biết Ba Huân trong năm 2018 mặc dù đã trải qua một giai đoạn chuyển mình lớn với vô vàn thử thách nhưng rồi cũng đã chạm được đến những mục tiêu mà nữ chủ nhân của thương hiệu Ba Huân đặt kỳ vọng.

Mọi số liệu tích cực trong bài báo cáo trước Phó Thủ Tướng Thường Trực Chính Phủ Trương Hòa Bình nhân chuyến thăm doanh nghiệp vào cuối tháng 11/2018, đã giải đáp những dấu chấm hỏi cho tương lai của Ba Huân“…Đến nay, công ty Ba Huân đã khép kín quy trình sản xuất từ trang trại đến bàn ăn theo tiêu chuẩn công nghê cao với tổng vốn đầu tư hơn 1.500 tỉ đồng bao gồm: 1 trang trại chăn nuôi gà lấy trứng, quy mô 18 ha, tổng đàn trên 1 triệu con tại Bình Dương; 1 trang trại gà lấy thịt, quy mô 34 ha, tổng đàn trên 5 triệu con tại Long An; 1 nhà máy thức ăn chăn nuôi tại Bình Dương ,công suất 20 tấn/ giờ; 2 nhà máy xử lý trứng gia cầm, tổng công suất hơn 300.000 trứng/ giờ tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội; 1 nhà máy chế biến thực phẩm tại Long An, công suất 50 tấn/ ngày…”, trích bài phát biểu của ông Hùng trước Phó Thủ Tướng và lãnh đạo nhà nước.

Việc Chính Phủ dành nhiều chính sách cởi mở hơn cho doanh nghiệp trong thời gian gần đây, đặc biệt là những chính sách bảo hộ cho những Thương hiệu Việt để họ mạnh dạn hội nhập toàn cầu như Ba Huân càng giúp cho Doanh nghiệp Thuần Việt ngày càng phát triển.

Từ sau bài học về thương vụ đầu tư bất thành giữa Ba Huân và VinaCapital tốn nhiều giấy mực của giới truyền thông trong năm 2018 cũng khiến Cô Ba Huân chợt chạnh lòng trước những thiếu hụt về kiến thức điều hành một bộ máy lớn quá nhanh, nhưng rồi Cô cũng kịp rút kinh nghiệm và tạo điều kiện cho thế hệ kế thừa có cơ hội phát huy sở trường.

“Tui không phủ nhận mình chỉ là một “nông dân” làm kinh doanh mà thôi. Tui ít học, quê mùa chỉ bôn ba với nghề buôn trứng mấy chục năm nay, nhưng kinh nghiệm va chạm thực tế cùng người nông dân thì không phải ai cũng có được. Tui đã cùng sống chết với người nông dân, luôn đặt chữ tín lên hàng đầu nên cho dù kiến thức quản lý tui thiếu nhưng kinh nghiệm làm nghề 50 năm của tui được đội ngũ kế thừa tiếp thu và vận dụng vào thời kỳ đổi mới”. Cô Ba Huân cho rằng giá trị cốt lõi để thương hiệu Ba Huân tồn tại và phát triển được như hôm nay chính nhờ được xây dựng từ chữ “tín”.

“Lấy chỉ tiêu chất lượng và chữ tín đặt lên hàng đầu”, Cô Ba Huân lặp đi lặp lại điều này. Thì ra, một chữ “tín” đã tạo nên một thương hiệu lớn lao vậy. Tôi muốn hiểu tận cùng của chữ “tín” này mới chợt nhận ra có quá nhiều cay đắng, đoạn trường xung quanh cuộc đời một người phụ nữ đã thực sự dấn thân vào “nghiệp” kinh doanh chỉ để bảo vệ một chữ “tín”.

Ai cũng biết Cô Ba Huân nổi tiếng bởi “canh bạc” vay mượn hơn 30 tỷ đồng để đầu tư nhập dây chuyền sản xuất trứng sạch từ Hà Lan về ngay thời điểm dịch cúm gia cầm H5N1 bùng phát dữ dội năm 2003 đã làm nên thương hiệu Ba Huân rực rỡ như hôm nay.

“Lúc đó ai cũng nói tui liều, kinh doanh bạc lẻ mà dám nhập dây chuyền tiền tỷ về làm. Tui thì nghĩ nếu mình không dám làm thì sẽ chẳng bao giờ mong
thay đổi được phận nghèo,” chính Cô cũng không thể ngờ Cô là người đã thay đổi xu hướng vận hành của thị trường ngành trứng gia cầm và những doanh nghiệp chế biến thực phẩm từ trứng.

Nhìn vào sự thành công của thương hiệu Ba Huân hôm nay, có lẽ phải nói đến điểm xuất phát ban đầu của người đứng đầu thương hiệu để tạo nên giá trị cốt lõi của thương hiệu này.

Đó là câu chuyện từ 50 năm trước. Cô Ba Huân với xuất phát điểm phụ mẹ buôn bán trứng ở chợ khi chưa học hết tiểu học, rồi thừa kế lại sự nghiệp buôn trứng của mẹ mình từ năm 16 tuổi. Trải qua nhiều biến cố, Cô vẫn bám trụ với nghề buôn trứng để rồi dấn thân vào nghề cho đến tận ngày nay. Trong suốt hành trình mưu sinh, Cô không quản ngại mưa nắng, lặn lội khắp các nẻo đường phù sa để đến gần với người nông dân, nỗ lực hỗ trợ nông dân thoát nghèo bằng cách giúp họ chăn nuôi gia cầm và bao tiêu đầu ra. Cô lại tiên phong ra nước ngoài học hỏi kinh nghiệm và đầu tư quy trình xử lý trứng sạch để đảm bảo nguồn cung an toàn, bổ dưỡng cho người tiêu dùng. Và chưa dừng lại, Cô lại tiếp tục đầu tư trang trại, hoàn thiện quy trình sản xuất thực phẩm chế biến từ gia cầm để hướng đến mục tiêu cung cấp sản phẩm sạch, an toàn từ nông trại về với bàn ăn của mọi gia đình.

Mặc dù nằm trong danh sách những người phụ nữ ảnh hưởng nhất của Việt Nam, vinh dự là đại diện duy nhất của Việt Nam, cũng là một trong 5 nông dân được lựa chọn từ 45 quốc gia, để nhận giải thưởng “Nông dân điển hình quốc tế”, do Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc – FAO trao tặng, nữ doanh nhân này vẫn vẹn nguyên phẩm chất thuần nông, nghĩ sao làm vậy, bằng mọi giá vẫn phải bám nghề, quyết tâm gìn giữ chữ “tín” với người tiêu dùng, khách hàng, đối tác của mình trong một tinh thần cầu tiến không gì lay chuyển được.

Mọi thứ đều được gầy dựng từ mồ hôi lẫn nước mắt của Cô chắt chiu mà thành bởi Cô từng chia sẻ “ngành buôn bán trứng giống như đi thu lượm bạc cắt vậy.” Như con ong chăm chỉ, Cô Ba Huân đã tích lũy thành doanh nghiệp bạc tỷ từ những đồng bạc cắt thu được từ từng quả trứng mong manh ấy.

Tui đã dấn thân vào nghề này đã hơn 50 năm rồi, vất vả, khổ cực vô cùng, cay đắng lắm nhưng rồi cũng có được vinh quang…”, Cô cho biết thương hiệu Ba Huân cũng đã được người tiêu dùng tin tưởng, người nông dân an tâm đồng hành, bấy nhiêu ấy cũng cho Cô được tận hưởng chút niềm vui sống bởi hơn ai hết Cô là người thấm thía cái giá phải trả để bảo vệ quả trứng mỏng manh ấy vẫn vẹn nguyên đến được với bao người.
Nỗi đau trong lòng người phụ nữ lần lượt chứng kiến các con mình gặp bất hạnh trong lúc Cô mải miếtbônba,khôngkịpngănchặn những tai họa ập đến cho các con để bảo vệ chúng khiến Cô như xé lòng mỗi khi ngoảnh lại. Dường như nước mắt Cô đã cạn khô, đã trôi ngược vào tim làm vũ khí giúp Cô lại đứng lên và dấn thân vào hành trình sống còn với quả trứng đầy cay đắng mà Cô đã buộc vào như một số mệnh vậy.

Nhưng có lẽ điều an ủi để Cô được tiếp thêm năng lượng nuôi dưỡng cho đứa con tinh thần này chính là sức khỏe của hàng triệu triệu người tiêu dùng khắp cả nước; Niềm hạnh phúc ấm no của hàng trăm hộ nông dân gắn bó với Cô từ những ngày đầu; Là đời sống no đủ của hơn 800 nhân viên và gia đình họ đang đặt niềm tin mà đi theo Cô.

“Tui vẫn còn muốn được khỏe thêm để làm việc nhiều hơn vì mọi thứ mặc dù đã có một bộ máy nhân sự giỏi giang gánh vác rồi nhưng tui vẫn chưa thể an tâm giao phó được bởi nghề này đòi hỏi kinh nghiệm thực tiễn mà nếu không trải qua 50 năm đồng cam cộng khổ cùng người nông dân như tui khó mà duy trì mối quan hệ gắn kết bền vững này được…”, Cô Ba Huân hiểu rằng quả trứng đã gắn kết giữa Cô với người nông dân và người tiêu dùng, do vậy mà Cô không cho phép bản thân được ngơi nghỉ mặc dù tuổi đã ngoài 60, “…tui hy vọng sẽ đủ sức lực để tiếp tục dìu dắt nhân viên nhiều năm nữa, nhưng với nhiều thách thức về cạnh tranh như hiện nay thì đến năm 2020 tui nghĩ mình chỉ có thể buông dần ra khoảng 20-30% công việc mà thôi.”

Cậu con trai mà Cô Ba Huân vẫn đang “muôn dặm tìm Thầy chữa bệnh cho con…” luôn nhoẻn miệng cười khi được nghe mẹ kể về câu chuyện thành công đầy nước mắt của Cô. Cậu tuy không thể quán xuyến sự nghiệp thay mẹ nhưng luôn bên mẹ như tiếp thêm năng lượng để Cô trở nên mạnh mẽ và quyết liệt hơn trong bước đường kinh doanh của mình.

Ánh mắt tinh tường của Cô có lúc chợt lóe sáng, lúc lại trầm ngâm theo từng dòng cảm xúc qua câu chuyện cuộc đời mà Cô dẫn dắt tôi bước vào. Mặc cho đôi quầng mắt đã nhạt màu, đã bị ríu lại bởi các lớp da cằn cỗi in hằn nếp nhăn theo năm tháng… Tất cả lại góp phần làm lộ diện chân dung một doanh nhân “nông dân” chân chất với nụ cười hồn hậu ẩn bên trong vẻ ngoài điềm đạm, cương nghị thoạt nhìn của người phụ nữ quyền lực trong ngành kinh doanh trứng gia cầm và thực phẩm chế biến từ gia cầm thương hiệu Ba Huân.